Cây Điền Thất – Báu vật thiên nhiên cho sức khỏe

29

Cây Điền thất là một dược liệu phổ biến ở vùng núi phía Bắc, được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian. Với nhiều tiềm năng trong hỗ trợ điều trị hiệu quả các tình trạng sức khỏe như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt vàng da, ỉa chảy, suy nhược thần kinh, kinh nguyệt không đều, huyết áp cao và đau dây thần kinh. Còn nhiều công dụng khác của điền thất mà mọi người chưa biết đến. Hãy cùng tôi khám phá ngay trong bài viết này!

Hình ảnh cây Điền thất

Đặc điểm chung Dược liệu

Tên gọi khác: Hồi đầu thảo, hổ trượng căn, cốt khí, vùi sầu, thủy điền thất, hồi thầu, bơ pĩa mến.

Tên khoa học: Schizocapsa plantaginea Hance –  họ Râu hùm Taccaceae.

Mô tả thực vật

Theo các Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung-  giảng viên tại Cao đẳng Dược TPHCM cho hay, Điền thất là cây thân thảo, sống hằng năm, cao 20 – 30 cm và mọc thành từng bụi.

Lá có hình giống lá nghệ, phình to và nhọn ở đầu, hình trái xoan thuôn. Lá phát triển trực tiếp từ củ (thân rễ) do cây không có thân, với 6 – 10 lá mỗi cây. Cuống lá dài 5 – 7 cm, mỗi lá dài 10 – 20 cm và rộng 2 – 5 cm. Mặt trên của lá nhẵn bóng với các phiến chạy dọc từ cuống đến đầu lá.

Cụm hoa màu tím, nở từ tháng 9 đến tháng 12, mọc ở kẽ lá thành tán. Mỗi cụm có 6-10 bông trên một cán dẹt, có xu hướng cong xuống. gồm 6 phiến ở mỗi bao hoa, bên trong có 4 lá bắc nhỏ màu tím hoặc trắng đục.

Quả là loại quả khô, có 3 cạnh màu nâu đỏ, bên trong chứa các hạt nhỏ hình thoi. Thân rễ phình to, có mùi thơm giống nghệ, thịt bên trong màu vàng nâu. Khi khô, củ điền thất mất đi mùi hăng ban đầu.

Phân bố, sinh trưởng

Phân bố: Điền thất phát triển chủ yếu ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, và Lào.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang và được trồng trong vườn tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, thường ở những nơi ẩm thấp, ven bờ suối.

Bộ phận sử dụng Thu hái, Chế biến

Chủ yếu dùng Thân rễ, thân rễ có màu vàng nâu, mùi thơm hăng như nghệ.

Khi khô có màu be nhạt, hết hăng, mùi thơm như tam thất.

Mùa thu hoạch: Kéo dài quanh năm, lý tưởng nhất là vào tháng 8-9 và tháng 2-3.

chế biến: Củ (thân rễ) được thu hoạch cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Hoặc để cả củ, ủ mềm rồi thái lát, tẩm gừng, sao vàng.

Thành phần hóa học

Củ điền thất chứa các thành phần hóa học nổi bật như Anthronoid, Diosgenin, SSPH1, và Taccaoside. Điền thất chứa 1.12 đến 1.14% diosgenin. Ngoài ra, còn có các saponin như Taccaoside và SSPH I.

Tác dụng – Công dụng

Theo Y học cổ truyền

Đặc tính: Củ điền thất có vị đắng, tính hàn.

Công dụng: Được sử dụng trong y học dân gian để hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, ỉa chảy, sốt vàng da, kinh nguyệt không đều, suy nhược thần kinh, đau dây thần kinh, và huyết áp cao.

Phối hợp: Rễ (củ) điền thất thường được kết hợp với các vị thuốc khác trong Đông y để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Theo Y học hiện đại

Các nghiên cứu trên dòng ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) đã chỉ ra rằng Điền thất có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giúp giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

HCC là một trong những khối u ác tính phổ biến nhất trên thế giới.

Chiết xuất Taccaoside từ củ điền thất đã được chứng minh có tác dụng ức chế và chống tăng sinh các tế bào HCC hiệu quả.

Phân lập từ rễ điền thất hoạt chất Saponin SSPH1, đã được chỉ ra có hoạt tính chống ung thư mạnh đối với nhiều loại khối u khác nhau trong các nghiên cứu tiền lâm sàng.

Do đó, Điền thất được kỳ vọng là một vị thuốc tiềm năng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan và một số bệnh ung thư khác.

Cách dùng và liều lượng sử dụng

Thuốc sắc: Mỗi ngày dùng 4 – 20 gram củ điền thất dưới dạng thuốc sắc.

Ngâm rượu: Củ dược liệu này có thể được ngâm rượu để uống.

Những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây điền thất

Theo các giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Điền thất nổi tiếng với khả năng chữa trị các vấn đề về xương khớp và được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến:

  • Chữa đau nhức gân xương khớp

Chuẩn bị: 15g điền thất, 15g gối hạc, 15g bìm bịp, 15g mộc thông.

Đem Sắc uống. Uống ngày/1 thang.  Uống từ 7 đến 10 ngày.

  • Hỗ trợ điều trị viêm gan A cấp tính

Chuẩn bị: 15g rễ điền thất, 15g chút chít, 20g lá móng.

Đun sắc các vị thuốc trong 500ml nước cho đến khi còn 200ml.

Uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Uống liên tục trong 4 tuần.

  • Chữa trị táo bón

Sử dụng 30g củ điền thất, đun sắc trong 500ml nước cho đến khi còn 200ml.

Chia thuốc thành 2 lần uống/ngày. Uống trong 5 ngày.

Hoặc có thể sử dụng khoảng 6 – 10g củ điền thất khô đã được tán thành bột, chiêu với nước ấm trước bữa ăn từ 15 – 30 phút. Áp dụng trong 5 – 10 ngày

Lưu ý: Trong quá trình điều trị, hạn chế ăn đồ cay nóng, giấm và bia rượu, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh dạ dày.

  • Chữa trị vết thương do ngã bầm tím

*Bài số 1: Rửa sạch 20g củ điền thất tươi, sau đó xay / giã nhỏ và vắt lấy nước cốt.

Uống nước củ điền thất và đắp phần bã lên vị trí bị thương.

Áp dụng mỗi ngày cho đến khi tình trạng vết thương hồi phục hoàn toàn.

* Bài số 2: Dùng 20g củ điền thất và 30g lá móng, 300ml nước, 20ml rượu.

Đun sắc cả 2 vị thuốc với nước cho đến khi còn 150ml, sau đó hòa thêm rượu.

Uống mỗi ngày chia thành 2 lần.

  • Chữa trị kinh nguyệt không đều

Dùng Củ điền thất 10g, Tán bột mỗi ngày, có thể pha thêm mật ong hoặc uống với nước ấm.

Chỉ sau kỳ kinh 10 ngày mới được dùng.

Mỗi đợt điều trị kéo dài 10 ngày, thực hiện ít nhất 3 đợt để có kết quả tốt nhất.

  • Chữa trị tăng Huyết Áp ở phụ nữ tiền mãn kinh

Dùng 20g củ điền thất, 18g hương phụ tử chế, 150ml nước.

Đem Sắc nhỏ lửa cho đến khi còn 150ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Uống từ 3-5 ngày để cảm nhận sự cải thiện.

  • Chữa mụn nhọt (Chưa Vỡ Mủ)

Củ điền thất tươi, Rửa sạch và giã nhỏ đắp lên chỗ đau và băng lại.

Để giúp làm dịu và giảm sưng đau cần thay băng mỗi 2 giờ trong vòng 3 ngày

  • Chữa hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan

Dùng 20g điền thất, 10g chỉ sát, đan sâm và trạch tả và sơn tra mỗi vị 15g, Cùng hồng hoa, cam thảo và trư linh mỗi vị 3g, 6g hồng bì.

Sắc với nước, để uống. Dùng 1 thang /ngày. Dùng thuốc trong vòng 1 tuần.

Những lưu ý khi sử dụng

  • Trước khi sử dụng cây điền thất để chữa trị bệnh luôn tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên môn
  • Cần sử dụng điền thất ở liều lượng đúng, tránh uống quá mức có thể gây ra các phản ứng phụ như ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn, v.v.
  • Tuyệt đối không sử dụng củ điền thất để điều trị bệnh cho phụ nữ có thai.
  • Hiệu quả của các liệu pháp tự nhiên như củ điền thất thường đến chậm. Cần kiên nhẫn và không nên bỏ dở liệu trình sớm.
  • Thuốc có hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Tóm lại: Cây Điền thất, một loại cây thân thảo phổ biến, thường mọc hoang ở vùng rừng núi và đất ẩm thấp. Thảo dược được sử dụng trong Đông y để chữa trị các bệnh như táo bón, đau nhức xương khớp và xơ gan… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người dùng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên môn và tuân thủ đúng liều lượng được chỉ định./.

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung

Tổng hợp: truongcaodangyduocsaigon.net

Bình luận

bình luận

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Cơ sở Bình Thạnh: 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM. Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Cơ sở Bình Tân: 913/3 Quốc Lộ 1A, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Tư vấn: 0799.913.913 – 0788.913.913